(BBP) - Ngọn núi Chư Đăng Ya (theo tiếng địa phương nghĩa là củ gừng dại - còn có tên núi Hàm Rồng) là một miệng núi lửa đã tắt còn nguyên dáng phễu của dòng nham thạch phun trào từ lòng đất. Là một trong những dấu tích núi lửa nổi tiếng nhất của Tây Nguyên, Chư Đăng Ya chỉ nằm cách thành phố Pleiku chừng 30km về phía huyện Chư Pảh của tỉnh Gia Lai.
Tây Nguyên sắp qua mùa mưa và bước vào mùa khô hạn nhất trong năm. Hoa dã quỳ lác đác trên những sườn đồi phủ nắng chang chang bỏng rát. Cái nắng ở Chư Đăng Ya còn khủng khiếp hơn nhiều, do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn và bị nướng cháy dưới nền nhiệt độ xấp xỉ 40 độ, luôn cao hơn những nơi khác từ 1 tới 2 độ C.
Nhưng thật ngạc nhiên, ở ngay trên miệng ngọn núi này, sự sống vẫn sinh sôi hàng ngày, hàng mùa. Chúng tôi hì hục leo lên đỉnh núi bằng con đường bộ duy nhất trước đây dòng nham thạch trào xuống, nay là tuyến đường xe công nông, máy cày chạy lên núi để tải phân bón, cây giống vào mùa gieo trồng và tải nông sản xuống trong mùa thu hoạch.
Đứng dưới Chư Đăng Ya nhìn lên, ngọn núi tựa như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh, miệng núi lại mở ra một thung lũng lớn. Giữa bốn bề vách núi vuốt ngược lên là một lòng chảo tuyệt đẹp thấp thoáng những đóa hoa dã quỳ vàng rực. Cùng ngồi xuống dưới đám cây dã quỳ vàng làm hàng rào ngăn các thửa ruộng với những người nông dân chuyên canh tác trong miệng núi lửa để ăn bữa cơm trưa đạm bạc.
Chúng tôi nhìn ngắm kỳ quan thiên tạo của lòng đất trong cái nắng nung người của Tây Nguyên. Miệng núi giống hệt một cái sân giác đấu của Châu Âu thời trung cổ với mặt sân phẳng lỳ và tròn vạnh, bao quanh là thành núi dựng đứng 45 độ nghiêng. Anh Mạnh Dũng, một nông dân quê gốc ở Phù Cát, Bình Định nói: “Chỉ riêng việc giữ thăng bằng cả ngày khi đứng trên vách nghiêng của ngọn núi cũng đã mệt rồi, chưa kể phải mang vác cây giống, phân bón rồi chọc lỗ tra hạt nữa”.
Kỳ lạ là miệng núi này không hề có nước, và không ai mang nước lên đây được, đồng nghĩa với các loại cây trồng ở đây không được tưới tắm từ lúc trồng xuống cho đến mùa thu hoạch. Tất cả chỉ trông mong vào những cơn mưa hiếm hoi của Tây Nguyên, hoặc là khí trời và sương đêm mà thôi. Vì thế vào mùa mưa, cây nông nghiệp trồng trên núi Chư Đăng Ya như ngô, đậu, bí ngô cũng tươi tốt hơn.
Những nông dân ở đây cho biết, chưa có một chỗ đất nào ở Tây Nguyên lại màu mỡ như lớp đất bazan tơi xốp trên Chư Đăng Ya. Vì thế, mùa nào ngọn núi này cũng cho những vụ bội thu. Những thửa ruộng phải chia đều cho nông dân trong xã Chư Đang Ya để canh tác, dưới hình thức thuê khoán. Màu xanh của cây trồng luôn phủ lên ngọn núi.
Miệng núi lửa tắt từ ngàn năm trước vẫn tiếp diễn nguồn sống sinh sôi từng mùa dưới nhiệt độ bỏng cháy của Tây Nguyên. Ở nơi dòng nham thạch chảy ra tràn xuống núi, một cánh đồng màu mỡ được bồi đắp trải rộng xuống chân núi. Những mái nhà của đồng bào Jrai lút trong những vườn trái cây xanh ngắt đang mờ đi trong ráng chiều. Chúng tôi lại men theo bờ ruộng từ đỉnh núi để xuống. Ngoảnh lại, Chư Đăng Ya như miệng người khổng lồ đang cười, nét cười của khuôn mặt hiền lành, khuôn mặt của sự sống.
Theo A Lăng Trường Sơn (Báo Biên Phòng)
Tây Nguyên sắp qua mùa mưa và bước vào mùa khô hạn nhất trong năm. Hoa dã quỳ lác đác trên những sườn đồi phủ nắng chang chang bỏng rát. Cái nắng ở Chư Đăng Ya còn khủng khiếp hơn nhiều, do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn và bị nướng cháy dưới nền nhiệt độ xấp xỉ 40 độ, luôn cao hơn những nơi khác từ 1 tới 2 độ C.
Nhưng thật ngạc nhiên, ở ngay trên miệng ngọn núi này, sự sống vẫn sinh sôi hàng ngày, hàng mùa. Chúng tôi hì hục leo lên đỉnh núi bằng con đường bộ duy nhất trước đây dòng nham thạch trào xuống, nay là tuyến đường xe công nông, máy cày chạy lên núi để tải phân bón, cây giống vào mùa gieo trồng và tải nông sản xuống trong mùa thu hoạch.
Chúng tôi nhìn ngắm kỳ quan thiên tạo của lòng đất trong cái nắng nung người của Tây Nguyên. Miệng núi giống hệt một cái sân giác đấu của Châu Âu thời trung cổ với mặt sân phẳng lỳ và tròn vạnh, bao quanh là thành núi dựng đứng 45 độ nghiêng. Anh Mạnh Dũng, một nông dân quê gốc ở Phù Cát, Bình Định nói: “Chỉ riêng việc giữ thăng bằng cả ngày khi đứng trên vách nghiêng của ngọn núi cũng đã mệt rồi, chưa kể phải mang vác cây giống, phân bón rồi chọc lỗ tra hạt nữa”.
Kỳ lạ là miệng núi này không hề có nước, và không ai mang nước lên đây được, đồng nghĩa với các loại cây trồng ở đây không được tưới tắm từ lúc trồng xuống cho đến mùa thu hoạch. Tất cả chỉ trông mong vào những cơn mưa hiếm hoi của Tây Nguyên, hoặc là khí trời và sương đêm mà thôi. Vì thế vào mùa mưa, cây nông nghiệp trồng trên núi Chư Đăng Ya như ngô, đậu, bí ngô cũng tươi tốt hơn.
Những nông dân ở đây cho biết, chưa có một chỗ đất nào ở Tây Nguyên lại màu mỡ như lớp đất bazan tơi xốp trên Chư Đăng Ya. Vì thế, mùa nào ngọn núi này cũng cho những vụ bội thu. Những thửa ruộng phải chia đều cho nông dân trong xã Chư Đang Ya để canh tác, dưới hình thức thuê khoán. Màu xanh của cây trồng luôn phủ lên ngọn núi.
Miệng núi lửa tắt từ ngàn năm trước vẫn tiếp diễn nguồn sống sinh sôi từng mùa dưới nhiệt độ bỏng cháy của Tây Nguyên. Ở nơi dòng nham thạch chảy ra tràn xuống núi, một cánh đồng màu mỡ được bồi đắp trải rộng xuống chân núi. Những mái nhà của đồng bào Jrai lút trong những vườn trái cây xanh ngắt đang mờ đi trong ráng chiều. Chúng tôi lại men theo bờ ruộng từ đỉnh núi để xuống. Ngoảnh lại, Chư Đăng Ya như miệng người khổng lồ đang cười, nét cười của khuôn mặt hiền lành, khuôn mặt của sự sống.
Theo A Lăng Trường Sơn (Báo Biên Phòng)