(TGL) - Đứng trước những cây đa cổ thụ ở làng Jar (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, trong khi có những cánh rừng đang bị con người triệt phá từng ngày vì nguồn lợi riêng thì ở đây những cây đa hàng trăm năm tuổi vẫn vươn lên mạnh mẽ và được xem là “báu vật” của làng.
Những cây đa ấy có từ bao giờ, những người già nhất trong làng cũng không rõ nhưng từ xưa đến nay, cây đa được xem là vật linh thiêng của Yàng ban tặng để bảo vệ dân làng khỏi thiên tai, đem đến cuộc sống ấm no, đủ đầy cho người làng. “Đối với dân tộc Jrai mình, làng phải có cây đa thì mới thành làng, mới có cái để ăn, có nước để uống. Vì thế, phải cố gắng bảo vệ cây, không được chặt làm củi, không được phá bỏ”-ông Y Hyát (65 tuổi), cựu chiến binh làng Jar nói.
Dẫn chúng tôi đi thăm cây đa, ông Y Hyát cho biết thêm: Lúc mình còn nhỏ, mình đã thấy cây đa cao như vậy rồi. Lúc trước, dân làng mình hay tụ tập ở dưới tán cây, ngồi bên bếp lửa ca hát và kể chuyện về lịch sử của làng cho con cháu nghe đến sáng. Người Jrai mình cũng xem cây đa là nơi lưu giữ linh hồn của người đã khuất nên khu nhà mồ cũng được dựng lên ở bên cạnh.
Sự linh thiêng và kỳ bí của cây đa càng được tô đậm thêm bởi những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây. Cách đây không lâu, có một thanh niên cưỡi ngựa ngang qua những gốc cây này, bị “ông” cọp bắt, bà con đã làm mộ cho người thanh niên này dưới gốc cây đa. Cũng từ đó, linh hồn người thanh niên đó sống ở trên cây đa và luôn bảo vệ cho người làng. Cũng theo lời kể, giọt nước để sinh hoạt của bà con trước đây chủ yếu được lấy xung quanh khu vực cây đa, nước rất trong, dù trời khô hạn nhưng nước ở đây chưa bao giờ cạn.
Hiện nay, làng Jar còn 12 gốc đa cổ thụ, thân cây vươn cao khoảng 12-14 mét, cây nào cũng to, tán tỏa rộng khắp, gốc cây phải đến bốn năm người ôm không xuể. Nhiều năm trước, vì thấy cây to, giá trị cao nên nhiều người đến hỏi mua, có người hỏi mua toàn bộ cây đa ở làng nhưng làng không bán. Làng cũng đặt ra một quy ước, rằng người dân từ già đến trẻ đều phải chung tay giữ gìn, bảo vệ cây đa vì đó là “báu vật” của làng.
Trao đổi với P.V, ông Ngô Xuân Đường-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chư Đăng Ya cho biết: “Cả xã chỉ còn làng Jar là còn những cây cổ thụ quý hiếm như thế. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động bà con ra sức bảo vệ cây, giữ được cây là giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Jrai”…
Theo Phan Lài (Tin Gia Lai)
Những cây đa ấy có từ bao giờ, những người già nhất trong làng cũng không rõ nhưng từ xưa đến nay, cây đa được xem là vật linh thiêng của Yàng ban tặng để bảo vệ dân làng khỏi thiên tai, đem đến cuộc sống ấm no, đủ đầy cho người làng. “Đối với dân tộc Jrai mình, làng phải có cây đa thì mới thành làng, mới có cái để ăn, có nước để uống. Vì thế, phải cố gắng bảo vệ cây, không được chặt làm củi, không được phá bỏ”-ông Y Hyát (65 tuổi), cựu chiến binh làng Jar nói.
Dẫn chúng tôi đi thăm cây đa, ông Y Hyát cho biết thêm: Lúc mình còn nhỏ, mình đã thấy cây đa cao như vậy rồi. Lúc trước, dân làng mình hay tụ tập ở dưới tán cây, ngồi bên bếp lửa ca hát và kể chuyện về lịch sử của làng cho con cháu nghe đến sáng. Người Jrai mình cũng xem cây đa là nơi lưu giữ linh hồn của người đã khuất nên khu nhà mồ cũng được dựng lên ở bên cạnh.
Sự linh thiêng và kỳ bí của cây đa càng được tô đậm thêm bởi những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây. Cách đây không lâu, có một thanh niên cưỡi ngựa ngang qua những gốc cây này, bị “ông” cọp bắt, bà con đã làm mộ cho người thanh niên này dưới gốc cây đa. Cũng từ đó, linh hồn người thanh niên đó sống ở trên cây đa và luôn bảo vệ cho người làng. Cũng theo lời kể, giọt nước để sinh hoạt của bà con trước đây chủ yếu được lấy xung quanh khu vực cây đa, nước rất trong, dù trời khô hạn nhưng nước ở đây chưa bao giờ cạn.
Hiện nay, làng Jar còn 12 gốc đa cổ thụ, thân cây vươn cao khoảng 12-14 mét, cây nào cũng to, tán tỏa rộng khắp, gốc cây phải đến bốn năm người ôm không xuể. Nhiều năm trước, vì thấy cây to, giá trị cao nên nhiều người đến hỏi mua, có người hỏi mua toàn bộ cây đa ở làng nhưng làng không bán. Làng cũng đặt ra một quy ước, rằng người dân từ già đến trẻ đều phải chung tay giữ gìn, bảo vệ cây đa vì đó là “báu vật” của làng.
Trao đổi với P.V, ông Ngô Xuân Đường-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chư Đăng Ya cho biết: “Cả xã chỉ còn làng Jar là còn những cây cổ thụ quý hiếm như thế. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động bà con ra sức bảo vệ cây, giữ được cây là giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Jrai”…
Theo Phan Lài (Tin Gia Lai)