Núi Bân, nơi lưu hào khí vương triều Tây Sơn

(BBĐ) - Huế, có hai ngọn núi đã đã trở thành biểu tượng văn hóa lịch sử đặc sắc của cố đô. Đó là núi Ngự Bình biểu trưng cho danh lam thắng cảnh Huế và núi Bân biểu tượng lịch sử oai hùng của vùng đất Phú Xuân - Huế, nơi xuất phát của cuộc hành binh thần tốc đánh tan 29 vạn quân Thanh của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Là một ngọn núi nhỏ nay thuộc xứ Cồn Mồ, thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Núi có độ cao 43,75m, cách kinh thành Huế trên 3km. Phía đông giáp núi Ngự Bình, hai phía tây và bắc giáp thôn Trường Cỡi, xã Thủy Bằng, phía nam là khu vực cư trú của dân làng Tứ Tây. Trong dư địa chí Thừa Thiên Huế, núi Bân còn có rất nhiều tên gọi khác nhau theo dân gian và  qua từng giai đoạn lịch sử như, Núi Đông Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên… Trong Hoàng Lê Nhất thống chí, bản dịch của Ngô Tất Tố năm 1942 gọi là núi Bân.

Núi Bân không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên của Phú Xuân - Huế, mà còn là một di tích lịch sử đặc biệt. Là Đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn nơi Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo Trời Đất, chính danh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung. Là nơi xuất phát điểm của cuộc hành binh thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789, viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền của tổ quốc. Sự kiện lịch sử này đã được mô tả chi tiết trong  tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Gia Văn phái. Sau khi Lê Chiếu Thống cầu cứu nhà Thanh, rước 29 vạn quân xâm lược với thế mạnh hung hãn tràn vào Thăng Long, quân Tây Sơn do Ngô Văn Sở chỉ huy thực hiện kế hoạch lui binh của Ngô Thì Nhậm về trấn giữ Núi Tam Điệp vào cấp báo tình hình về Phú xuân cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

“…Ngày 20 tháng ấy, Sở lui về Tam Điệp, thì ngày 24 Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân. Bắc bình vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng các người đến họp đều nói:
- Chúa công với vua Tây Sơn có sự hiềm khích, đối với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh, càng dễ sinh ra ngờ vực hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người rồi sau sẽ cất quân.

Bắc bình vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu thân (1788)…” (Hoàng Lê Nhất Thống chí).

Theo các nhà nghiên cứu Huế, việc chọn núi Bân làm Đàn Nam Giao trong điều kiện thời gian vô cùng gấp gáp là nhằm tận dụng địa thế của núi không cao, dễ vận động và có thể xây dựng đàn hoàn thành nhanh chóng, xung quanh là cánh đồng khá rộng để tập kết hàng vạn quân. Chỉ trong một ngày đêm từ khi nhận được tin cấp báo ngày 24, thì đến ngày 25 tháng chạp năm 1788 đã làm lễ xuất quân. Vì thế không có công trình nào được xây dựng, mà chỉ tận dụng địa thế có sẵn của núi Bân bằng cách bạt núi, xẻ đường để lập đàn tế. Dulichgo

Trên đỉnh đàn tế được kiến thiết thành ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau. Tầng một có chu vi 220m, độ cao 40,9m, tầng hai chu vi 123m, độ cao 42.1m, tầng ba trên cùng bề mặt bằng phẳng có chu vi 52,75m, độ cao 43,75m. Có 4 lối đi lên đàn tế theo 4 hướng Bắc, Nam, Đông, Tây, lòng đường  từ 3 – 5 càng lên đỉnh càng nhỏ lại.

Tại Đàn tế Núi Bân, Nguyễn Huệ đã tế cáo trời, đất đọc chiếu lên ngôi chính danh là hoàng đế nước Việt và đích thân chỉ huy cuộc hành quân thần tốc nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta tiêu diệt 29 vạn quan Thanh xâm lược.

Trải qua mấy trăm năm lịch sử, đặc biệt là sau khi Quang Trung mất, triều Tây Sơn sụp đổ, Gia Long - Nguyễn Ánh đã thực hiện chính sách trả thù tàn bạo. Mọi dấu tích của vương triều Tây Sơn gần như bị xóa trắng. Núi Bân gần như là di tích còn lại duy nhất của vương triều Tây Sơn Nguyễn Huệ ở cố đô Huế cho đến ngày nay. Năm 1988, khu di tích Núi Bân đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Và để lưu giữ phát huy hào khí bất khuất của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, năm 2010, tỉnh TT-Huế đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo khu di tích và xây dựng tượng đài vua Quang Trung trên núi Bân. Tượng Hoàng đế Quang Trung cao 21 m, trong đó phần tượng cao 12 m, phần đài cao 9 m, được làm từ 18 mảng đá Thanh Hóa, mỗi mảng nặng 10-60 tấn.


Phía sau tượng đài là bức phù điêu dài gần 60 m với các họa tiết miêu tả quá trình từ lúc khởi nghiệp của nghĩa quân Tây Sơn đến lúc Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. Trên chính giữa bức phù điêu có trích khắc chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung “Nhân, Nghĩa, Trung tín là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay cùng nhân dân đổi mới, sẽ cùng dìu dắt dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân…”. Bên trái phù điêu là trích khắc lời thề của Hoàng đế Quang Trung tuyên thệ giữa ba quân ở Nghệ An trước khi tiến ra giải phóng Thăng Long. “…Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để đen răng/ đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”.


Đến với núi Bân, ta như sống lại hào khí năm xưa của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, vì thế Núi Bân đang trở thành một điểm du lịch văn hóa lịch sử đặc sắc của cố đô hiện nay.

Bài, ảnh: Ngô Minh Thuyên (báo Bình Định), ảnh internet
Vé máy bay đi singapore!
Previous
Next Post »