Sông Côn ký sự (Kỳ 12)

(BBĐ) - Không biết ngẫu nhiên hay sự sắp đặt của lịch sử mà những làng võ nổi tiếng nhất của Bình Định đều nằm gần xa hai bờ sông Côn. Đi dọc theo sông Côn  đến các làng võ Thuận Truyền, An Vinh, An Thái… để tìm hiểu về những đường roi, đường quyền vang bóng một thời; rồi những thực hư quanh cuốn binh thư “tuyệt đỉnh bí kiếp”…

Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông

Trải qua nhiều con đường đất ngoằn ngoèo ở thôn Hoà Mĩ, xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn), chúng tôi mới tìm được ngôi nhà xưa của võ sư Hồ Nhu (thường gọi là Hồ Ngạnh), sư tổ của đường roi Thuận Truyền. Hiện đang sinh sống tại đây là võ sư Hồ Sừng, người cháu nội được võ sư Hồ Nhu hết mực yêu thương và truyền dạy võ công. Võ sư Hồ Sừng đã 70 tuổi, đôi mắt ông sáng lên khi kể về ông nội Hồ Nhu.

Theo các nhà nghiên cứu thì song thân võ sư Hồ Nhu là ông Hồ Đức Phổ (Đốc Năm) và bà Lê Thị Quỳnh Hà đều là những võ nhân cao thủ. Nhưng thật thú vị khi võ sư Hồ Sừng cho biết, ông Hồ Đức Phổ ra kinh thành Huế dự thi văn thì gặp bà Quỳnh Hà (người Huế) dự thi võ. “Trái ngược” như vậy nhưng mối lương duyên đã khiến họ gặp gỡ và gắn kết cuộc đời với nhau. Khi về quê chồng, bà Quỳnh Hà đã đem theo những tuyệt chiêu võ học của dòng họ mình. Điều đặc biệt là bà Quỳnh Hà không vội vàng truyền dạy võ công cho con trai, mà cho con đi thọ giáo nhiều cao thủ trong vùng.

< Năm 83 tuổi, võ sư Hồ Nhu vẫn còn biểu diễn được những đường roi đầy uy lực.

Sau đó, bà xem con đánh rồi chỉ ra những điểm mạnh, yếu trong các chiêu thức và uốn nắn, xây dựng cho con lối đánh hiệu quả nhất. Đặc biệt, theo võ sư Hồ Sừng, tuyệt kĩ roi “đánh nghịch” độc đáo và cực kì lợi hại của Hồ Nhu không phải học từ một vị cao thủ nào, mà chính là được bà Quỳnh Hà truyền dạy. Võ sư Hồ Sừng kể: “Bà cố nội đã tập cho ông nội tôi cách sử dụng roi đánh nghịch, ngược với cách đánh thuận thông thường, trên cơ sở sử dụng các tuyệt kĩ roi của nhiều môn phái khác nhau. Nhờ khổ luyện, ông nội tôi đã có thể đánh nghịch cũng thuần thục như đánh thuận. Sau này khi phải giao chiến với các cao thủ, ông nội tôi nhờ có ngọn roi đánh nghịch bất ngờ và hiểm mới có thể giành chiến thắng…”.

Lò võ của võ sư Hồ Sừng mở tại ngôi nhà từ đường cũng là lò võ duy nhất ở Thuận Truyền từ sau ngày giải phóng đến nay. Hằng năm, đều có hàng trăm môn sinh trong và ngoài tỉnh đến học. Nhờ liên tiếp đào tạo được các võ sĩ đạt thành tích cao, nên lò võ Hồ gia trở thành vệ tinh cung cấp rất nhiều vận động viên cho Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định. Những năm gần đây, do tuổi đã cao, nên võ sư Hồ Sừng đã giao lại cho các con trai ông truyền dạy võ.

Đến thắp nhang cho võ sư Hồ Nhu, chúng tôi xúc động khi thấy trên bàn thờ tổ đặt hai lễ vật cực kỳ ý nghĩa, là hai chiếc cúp vàng Câu lạc bộ xuất sắc nhất đạt được trong Giải Vô địch Võ cổ truyền các CLB tỉnh Bình Định năm 2006, 2007. Còn tại giải năm nay, CLB võ thuật Hồ Bé (con trai của võ sư Hồ Sừng) cũng đã đoạt giải Nhì cấp CLB.

Sông Côn “nối” hai dòng quyền

Rời làng Thuận Truyền, đi ngược về phía Nam gần chục cây số nữa là đến làng võ An Vinh, nằm trải dài theo bờ bắc sông Côn. Theo con đường ven sông rợp mát bóng tre, chúng tôi tìm đến nhà võ sư Trần Dần, cũng là lò võ nổi tiếng nhất ở An Vinh. Thầy của võ sư Trần Dần là Hương kiểm Mỹ, vốn là đệ tử ruột của Hương mục Ngạc, người sáng lập ra quyền An Vinh.

< Được ông nội truyền dạy, võ sư Hồ Sừng đã gìn giữ được những đường roi Thuận Truyền danh tiếng.

Trong câu chuyện kể của võ sư Trần Dần (70 tuổi) về làng võ An Vinh luôn lấp lánh niềm tự hào về một thưở vàng son với “Roi Thuận Truyền quyền An Vinh”. Những năm đó, vào mùa hè, nước sông Côn cạn, bãi cát rộng ven sông luôn có đông đảo người dân An Vinh ra luyện võ. Võ sư Hương kiểm Mỹ thường lựa lúc trời nắng nhất, ra nằm hàng giờ trên cát để luyện công. Võ sư Trần Dần ấn tượng mãi hồi kháng chiến chống Pháp, ông đã được chứng kiến trai tráng trong làng phục kích tên huyện trưởng, dùng tài võ nghệ đánh tan tác bọn lính bảo vệ, rồi bắt trói hắn bỏ lên thuyền xuôi sông Côn về Quy Nhơn giao nạp cho cách mạng.

“Kĩ thuật chiến đấu của quyền An Vinh là như thế nào?”- chúng tôi vừa dứt câu hỏi, võ sư Trần Dần như chớp đã tung vào khoảng không trước mặt những đòn tay xé gió. Rồi ông cho biết: “Lúc dạy võ, sư phụ Hương kiểm Mỹ đã hỏi tôi: “Cọp có mang được gậy được dao không mà bắt được mồi?”. Tôi mới ngộ ra. Cọp bắt được mồi đâu chỉ nhờ bộ móng sắc, mà còn nhờ động tác vồ nhanh, mạnh. Nguyên lí chiến đấu của quyền An Vinh cũng vậy, đòn thế đánh ra phải nhanh, mạnh và dồn dập để chiếm thế thượng phong trước đối thủ”.

< Bàn thờ sư tổ Hồ Ngạnh có được hai lễ vật ý nghĩa là hai chiếc cúp vàng.

“Vậy còn đường quyền An Vinh khác đường quyền An Thái ở chỗ nào?”- chúng tôi hỏi tiếp. “Điểm khác nhau cơ bản dễ nhận thấy là quyền An Vinh là đánh đòn dài (tung hết cánh tay), còn quyền An Thái thường sử dụng đòn ngắn (một phần cánh tay) của quyền Tàu nên dễ gây thương tích nặng cho đối thủ hơn”- võ sư Trần Dần giảng giải.

Từ làng An Vinh nhìn sang kia sông là làng An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn). Tại đây, giờ chẳng thể lần ra chút di tích nào nơi thầy giáo Hiến quyết định ở lại lập nghiệp trên đất An Thái. Chỉ biết, khi ấy, ông chọn một gò cao nhìn xuống dòng sông Côn uốn khúc, rồi lập trường luyện võ, dạy văn. Ba anh em nhà Tây Sơn xuôi dòng sông Côn đến xin nhập học và được ông thâu nhận. Có cơ duyên là nơi hội tụ, An Thái đã hun đúc tinh hoa võ nghệ nhiều phái võ. Trong đó, nổi bật nhất là sự xuất hiện của phái quyền Tàu do ông Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) khai mở vào đầu thế kỉ XX.

< Võ sư Trần Dần đang dạy cậu học trò người Gia Lai một đòn thế quyền An Vinh.

Chúng tôi lần tìm được ngôi nhà cũ của cụ Tàu Sáu, giờ đây không có người ở, chỉ còn bộ khung mang theo dấu ấn một thời. Anh Tạ Văn Trúc, cháu rể của cụ Tàu Sáu, nói: "Vào ngày 18 tháng Giêng, giỗ tổ, con cháu, học trò mới hội về đông". Thật đáng tiếc khi truyền thống võ học của dòng họ Diệp nay ở An Thái chẳng còn mấy ai kế nghiệp. Trên đất An Thái nay cũng chỉ còn duy nhất võ đường Bình Sơn của võ sư Lâm Ngọc Phú, truyền dạy võ thuật kết hợp từ hai nguồn võ của dòng họ ông và võ Tàu của cụ Tàu Sáu. Võ sư Phú tâm sự: “Lớp trẻ trong vùng giờ đây cũng không còn mặn mà lắm với việc học võ, có học cũng chỉ là trong vài tháng hè để rèn luyện sức khoẻ. Thỉnh thoảng, cũng có người phương xa đến xin học, tôi đều thu nhận và chỉ dạy tận tình, với mong gìn giữ và quảng bá võ cổ truyền Bình Định…”.

Đi tìm “tuyệt đỉnh bí kiếp”

< Thầy Thích Hạnh Hoà đang hướng dẫn đệ tử tập võ tại sân chùa Long Phước.

Tiếp tục đi về khu vực hạ nguồn sông Côn, chúng tôi tìm đến chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), nơi được tôn vinh là “Thiếu lâm tự” của Bình Định và đang giữ cuốn “tuyệt đỉnh bí kiếp” được đồn thổi lâu nay. Ngôi chùa có tuổi đời trên dưới 200 năm này nay đã mang ít nhiều dáng vẻ hiện đại. Nét cổ kính chỉ còn lưu lại trên hai ngôi tháp cổ rêu phong nằm hai bên chánh điện. Thầy Thích Hạnh Hoà, chủ trì chùa Long Phước cho biết: CLB võ thuật Chùa Long Phước ra đời từ năm 1987, ban đầu chỉ có ông và đệ tử Vạn Thanh đứng ra huấn luyện.

“Cơ duyên” là ở chỗ Vạn Thanh khi còn tu ở chùa Lộc Sơn (xã Nhơn Thọ), đã được Chủ trì Tịnh Quang trao lại bản chép tay cuốn “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp”. Đây là cuốn cổ thư tương truyền là do sư Hư Minh viết cách đây gần năm thế kỉ, ghi chép lại binh pháp, chiêu pháp, đòn thế võ thuật của các vị vua, vị danh tướng nước ta thời Đinh, Lê, Lý, Trần... Ngoài ra, nằm trong bộ cổ thư còn có phần tư liệu mang tên “Tây Sơn liệt tướng” của ông Nguyễn Trung Như (tướng thời Tây Sơn), đã ghi lại những chiêu pháp, thao lược đặc biệt của Tây Sơn tam kiệt cũng như của các danh tướng Tây Sơn khác.

< “Thầy tâm huyết, trò khổ luyện” mới chính là “tuyệt đỉnh bí kíp” của chùa Long Phước.

Chủ trì Thích Hạnh Hoà cho biết: “Một buổi sáng nọ, Vạn Thanh đã đem đến cho tôi một cuốn sách ố sờn. Đọc lướt vài dòng tôi biết ngay sách quý, liền bàn với Vạn Thanh cùng nghiên cứu dịch một số chiêu pháp, thao mẫu trong cuốn binh thư để đưa vào giảng dạy cho các lớp võ sinh của chùa Long Phước”. Nhờ vậy, CLB đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi, nhiều đệ tử xuất thân từ chùa đã giành được huy chương vàng cấp Quốc gia như Trần Duy Linh với bài “Lôi Long Đao”, Nguyễn Thị Kim Hải với “Lôi phong tuỳ hình kiếm”…. Và rồi, lớp trước học xong truyền dạy cho lớp sau, đến nay, chùa Long Phước đã đào tạo được hàng ngàn võ sinh đến từ mọi miền đất nước. Nhiều người trong số đó nay đã thành võ sư, huấn luyện viên, vận động viên trụ cột của Đội tuyển Võ cổ truyền ở Bình Định và nhiều địa phương khác.

Cách đây 10 năm, Vạn Thanh đã hoàn tục để trở lại đời thường. Theo hướng dẫn của thầy Hạnh Hoà, chúng tôi tìm đến nhà võ sư Nguyễn Đông Hải (tên thật của Vạn Thanh) ở thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, để tìm hiểu rõ hơn về bộ binh thư “tuyệt đỉnh bí kíp”. Khác với suy nghĩ của tôi, võ sư Đông Hải không đề cao nhiều đến giá trị bộ binh thư mà thật lòng tâm sự: “Cái “duyên” của tôi có được bộ binh thư sẽ không phát huy tác dụng nếu không gặp được thầy Hạnh Hoà, người hiểu biết sâu rộng về võ học và luôn nhiệt tình phát triển phong trào võ thuật ở chùa Long Phước. Nhưng những nỗ lực truyền dạy võ của thầy trò chúng tôi cũng chỉ là thứ yếu, điều quan trọng nhất là các học trò đã có tinh thần đam mê khổ luyện mới có thể đạt được thành công…”.

Hoá ra, không phải bộ binh thư mà “thầy tâm huyết, trò khổ luyện” mới chính là “tuyệt đỉnh bí kíp” đích thực của chùa Long Phước. Chúng tôi đã nhận ra vậy sau cuộc hành trình đi tìm tuyệt đỉnh bí kíp…

Còn tiếp
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Vé máy bay đi Singapore!
Previous
Next Post »