(BBĐ) - Sông Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, bắt nguồn từ miền núi phía Tây huyện An Lão, có độ cao từ 600-700m. Chiều dài của sông là 171km, diện tích lưu vực khoảng 2.594 km², độ dốc lưu vực bình quân khoảng 0,2.
Đoạn thượng nguồn sông có tên là Dak Kron Bung, chảy theo hướng Bắc - Nam. Đoạn từ Định Quang xuống Thượng Giang, sông được gọi là Hà Giao. Khi chảy qua huyện Tây Sơn, sông gặp các nhánh nhỏ Đồng Trem Hầm Hô đổ ra, tạo thành dòng lớn hơn và chính thức mang tên sông Côn. Sông tiếp tục chảy qua huyện An Nhơn theo hướng Tây - Đông, gặp một nhánh nhỏ khác từ hồ Núi Một chảy xuống. Đoạn hạ lưu chia thành hai nhánh: Bắc Phái và Nam Phái với nhiều tên gọi khác nhau: sông Đập Đá, sông Đại An, sông Cái và đổ ra Đầm Thị Nại (Quy Nhơn).
Ở Bình Định, sông Kôn không chỉ là một dòng chảy tự nhiên, mà còn là một dòng sông văn hoá, đi vào tâm thức người dân nơi đây. Ở đó, nơi đầu nguồn sông, xứ sở của thành Tà Kơn, của núi Nguyễn Huệ huyền thoại, của những bản hơamon dài như một mùa rẫy, sông trải mình dọc suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này. Sông trải mình qua những làng quê yên bình, nơi có những làng võ danh trấn, soi bóng những ngọn tháp ngàn năm, với những địa danh đã đi vào lịch sử và trở thành một phần ký ức thẳm sâu của người Bình Định: làng Cây Dừa, bến Trường Trầu, thành Hoàng Đế…
Sông ấp ôm và chở che cho bao phận người bên sông. Sông dâng tặng bao hương vị, những món ăn, thảo dã mà thấm đẫm hương vị quê nhà; kết vào men nồng của “đệ nhất danh tửu” Bầu Đá… Đi dọc sông Côn, chắt lọc hồn mình những dư vị đẫm đầy, nồng ấm đất và người Bình Định…
Kỳ I: Đi tìm ngọn nguồn sông
< Theo chân ông Đinh Nghèo (phải), chúng tôi bắt đầu vào rừng.
Đâu là nơi phát xuất của sông Côn? Theo “Đại Nam nhất thống chí”, sông Côn có ba nguồn: một từ núi Phong Sơn, một từ núi Kiền Kiền. Hai nguồn này hợp nhau tại thôn Trinh Tường (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Sau đó, chia làm hai nhánh. Nhánh phía Nam chảy đến thôn Quang Châu (nay thuộc xã Nhơn Hoà, huyện An Nhơn) thì gặp nguồn nước từ khe núi An Tượng chảy vào. Như vậy, thượng nguồn của sông Côn, theo sách xưa, thuộc về vùng Tây Sơn thượng đạo.
Lên với đầu nguồn
Ngược sông, chúng tôi đến Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), và lần tìm theo những con suối thượng nguồn. Vào đến khu sản xuất của làng K3, nằm sát bên một mép sông, một người già trong làng bảo: “Đây cũng là vùng đầu nguồn, nhưng muốn lên thượng nguồn, phải qua bên An Toàn (An Lão) kia”. Mà quả thật, nhìn kỹ trên bản đồ, mới thấy con sông Côn hợp nguồn từ một nhánh sông Côn và các con suối ở vùng An Toàn, rồi mới đổ về Vĩnh Thạnh. Vậy là chúng tôi lại quày quả ngược trở lại, lên An Lão và tìm đường đến với An Toàn.
Nghe nói đến An Toàn, đồng nghiệp và bè bạn ở An Lão đều tỏ vẻ ngần ngại. Rằng lên An Toàn mùa khô đã vất, huống chi mùa mưa. Mà quả thật, bước vào cuộc hành trình bằng xe máy ngược dốc mới thấy, không chỉ lầy lội, con đường lại đang được san để làm bê tông, vừa bề bộn, vừa trơn trượt. Không hiếm những đoạn phải ba bốn người đẩy, xe mới ì ạch vượt dốc. Lại có khúc, đường tràn nước như một dòng suối đầy đá cuội… Vậy rồi, sau chừng 5 tiếng cho chỉ khoảng… 45 km, người bê bết bùn đất, chúng tôi mới đến thôn 2, trung tâm của xã An Toàn, và từ đây, bỏ xe, lội bộ đi ngược triền sông, lên với đầu nguồn.
< Nhịp sống bên sông.
Không tìm ra người dẫn đường, vậy là, chúng tôi đành tự đi, với “kim chỉ nam” là lời dặn của một người dân trong làng. Rằng cứ đi theo con sông, con suối, ngược dòng nước là lên nguồn, xuôi dòng là về dưới. May mắn thay, vào đến khu sản xuất của làng, gặp bác Đinh Nghèo và con trai đi thăm bẫy, vậy là chúng tôi bám theo. Nhưng chỉ được một đoạn, khi băng qua một khúc sông, trong khi chúng tôi còn mê mải bắt… vắt lổn ngổn bò lên người, thì họ đã… biến mất sau những tán rừng.
Vậy là chúng tôi cứ tha thẩn dọc sông, vừa đi vừa làm dấu bằng những nhát rựa phát trên những thân cây rừng. Khúc sông và cánh rừng già yên tĩnh đến phát sợ. Tự dưng lại nhớ đến câu chuyện mà tối hôm trước, trong căn nhà sàn tối om dưới thôn 2, một người làng đã kể cho nghe, rằng mới năm trước đây thôi, một người đi câu cá trong rừng nghe có tiếng lọc cọc phía trên, mới lấy hòn sỏi ném đùa. Nhưng khi nhìn lên, anh ta đã thót tim, vì hoá ra đó là một “ông ba mươi”. Họ còn bảo, thi thoảng, vẫn có tiếng “ông” về trong đêm…
May quá, chỉ lát sau, trước mặt chúng tôi, thoáng có bóng hai chàng trai Bana xách cần câu đang ngược nguồn câu cá. Vậy là chúng tôi bám theo. Lần này thì đã có “kinh nghiệm”. Mặc vắt, mặc cho người cứ ngã đùi đụi xuống sông vì đá quá trơn trượt, chúng tôi kiên trì bám theo. Hỏi Đinh Bèo và Đinh Nít, tên hai chàng trai nọ, rằng bao giờ họ quay lại. “Tụi mình còn đi câu đến tận tối”- Đinh Bèo nói. Vậy là chúng tôi đành nhắc nhau để mắt xung quanh, không quên đánh dấu đường đi để còn biết đường mà trở về.
< Để ngược nguồn, phải len theo con đường mòn, với không ít trở lực.
Rừng An Lão mùa này khá ẩm. Và cũng do vậy, những tán cây mọc rậm rì và xanh um. Thi thoảng, xen trong tiếng nước sông chảy qua những gộc đá ầm ì, chỉ có tiếng kêu những cánh đại bàng cất lên đâu đó. Khúc sông Côn vừa ra từ nguồn, thiêm thiếp nước, trong vắt và mát lạnh. Những đoạn sông đầy đá gộc và sỏi, thi thoảng điểm xuyết bằng những trảng cát miên man. Nắng trải đều trên triền sông đầy đá và cát, nắng lấp loá trên mặt nước, hay phản chiếu những tảng cây rừng. Khung cảnh đẹp như một bức hoạ ấn tượng.
“Nom nó thanh bình vậy đó, nhưng chỉ một cơn mưa, nước sẽ dâng lên, từ nguồn đổ ập xuống”- Đinh Bèo nói. Nhưng rồi như để trấn tĩnh cho chúng tôi, Đinh Nít bảo. “Không sao đâu, nước chỉ dâng lên một lúc rồi xuống ngay. Lũ nguồn mà. Vả lại, hôm qua mưa nhưng nay trời đang trong lắm”. Mà quả thật, không hiểu chúng tôi có duyên gì với dòng sông hay không, mà những ngày lên nguồn, cũng là những ngày trời rất trong và đầy nắng. Dẫu chỉ mới hôm trước đó thôi, cứ tầm 1, 2 giờ chiều, An Toàn lại mưa như trút nước. Dulichgo
Con đường xuyên rừng nương theo những suối khe thiên nhiên. Người đi là đá mòn. Và những dấu chân người vẫn tiếp nối. Như tôi và những người bạn đồng hành của tôi hôm nay. Tất cả cùng hoà chung trong một bản hùng ca vĩ đại mang tên cuộc sống. Trên con đường xuyên rừng, tôi cứ lan man nghĩ vậy.
Nơi sông khởi nguồn
< Từ đây, dòng nước này chính thức mang tên sông Côn.
Phải qua hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ như chạy theo những bước chân thoăn thoắt của hai chàng trai Bana, chúng tôi mới đến Đá Trải. Địa danh này, quả thật, chỉ sau này, chúng tôi mới biết tên, vì hai chàng trai thổ địa nọ cũng chẳng biết. Họ cứ bảo: Phải hỏi người già ấy! Gọi là Đá Trải, có lẽ bởi giữa dòng sông, là một phiến đá khổng lồ trải mình. Con sông phải lách qua một bên khe, rồi mới tiếp tục xuôi nguồn. Quan sát kỹ tảng đá nọ, ở giữa, một vết lõm sâu và dài, trải theo chiều dọc đá, trông như chiếc bè của ai đó mới vừa dời đi, để dấu tích lại trên nền đá. Sau này, qua ông Đinh Nghèo, chúng tôi mới được biết, người Bana vẫn kể: Ngày xưa, người trời xuống đây, làm những chiếc bè xuôi theo sông, nay còn để lại dấu tích.
Phía trên Đá Trải một chút, có thác nước nhỏ, nước róc rách xuyên qua những tầng đá thấp, rồi uốn lượn như dải lụa, đẹp đến mê hồn. Nước sông trong vắt, trong như chưa bao giờ trong đến vậy. Những đàn cá nằm im dưới các hốc đá, chỉ đến khi chúng tôi để rơi những vụn bánh xuống, mới rủ nhau ào ra, rồi lại nháo nhào chui ngay vào hốc. Chỉ cần mảnh lưới nhỏ là có một bữa cá chiều - ấy là chúng tôi lan man nghĩ vậy. Còn hai chàng trai Bana cứ hết thả mồi, là những con cua nhỏ, nơi này lại sang nơi khác, rồi cứ tiếp tục men suối đến tận chiều. Họ bảo, rằng họ chỉ bắt những con cá chình, cá nhau to cỡ cổ chân. “Hồi xưa, sông nhiều cá lắm. Bây giờ ít hơn vì nhiều người lên đây rà điện hết”- họ nói. Ngược lên phía trên, chúng tôi gặp những con suối nhỏ cũng đang trong bản tình ca bất tận, miên man chảy giữa đại ngàn.
Ngồi lại với dòng sông, lắng nghe tiếng thao thức của sông với rừng già, với suối nguồn, trước khi tiếp tục băng rừng và len qua những dãy núi điệp trùng, để về với biển. Thật lạ, trong mường tượng của tôi, và hẳn bao người nữa, khi nghĩ về ngọn nguồn sông Côn, hẳn là những dòng thác trắng xoá và tuôn trào bọt nước, những ghềnh đá dữ dội ầm ầm thác đổ. Vậy mà không, dòng sông dưới chân tôi lại êm đềm như khúc nhạc trữ tình, như bản hơamon bất tận kể bên bếp lửa nhà sàn đêm đêm. Sẽ không thể hiểu bản chất của dòng sông nếu không lên tận nguồn của nó. Một nhà văn đã viết chí lý vậy.
< Dấu lõm in hình chiếc bè ở Đá Trải.
Và khác với sông Hương, dữ dội nơi đầu nguồn và càng về xuôi càng êm đềm, êm đềm đến độ “Con sông dùng dằng, con sông không chảy” thì sông Côn dường như chỉ mãnh liệt khi cất bước sang bên kia núi, rồi trở hướng xuôi về hạ nguồn, uốn mình qua những thôn làng trù phú ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước. Có lẽ, cái hướng chảy Bắc Nam của đoạn sông nơi rừng núi An Lão này đã tạo nên cho dòng sông như vậy. Và cái khí chất phóng khoáng của núi rừng, vẫn ủ lại với trầm tích sông, chỉ rạo rực lên khi mùa lũ về. Sông như vẫn còn quyến luyến lắm với cây rừng, với đất và người thượng nguồn An Lão, nên cứ miên man vậy. Miên man cho đến khi gặp nước Mia, nước Miên (đều thuộc An Toàn) rồi đổ vào thuỷ điện Vĩnh Sơn, rồi lại tiếp tục xuôi chảy thì gặp thêm nước Trinh cũng từ An Toàn đổ ra, và một nhánh nhỏ khác từ Hoài Ân chảy vào, sông mới thật mạnh mẽ và cường tráng…
Đêm đã buông xuống trên triền sông. Những nếp nhà sàn ủ trong màn đêm tịch mịch và khí trời se lạnh vùng cao. Thoáng trong tiếng đêm, ánh lửa bập bùng từ những góc nhà sàn. Lại nghe trong hơi gió, có tiếng sông rầm rì vọng lại, hoà cùng tiếng gió đại ngàn vi vút thổi. Phải tiếng sông, hay tiếng của những vị thần Bana tối cổ vừa trở về, nhắc nhở trong chúng ta, rằng đừng bao giờ lãng quên nguồn cội, như trăm dòng sông dù có lãng du ra biển, vẫn mong ngày trở lại với suối nguồn, để tiếp tục làm cuộc hành trình bồi đắp nên những dư vị phù sa cho cuộc sống…
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Vé máy bay đi Singapore!
Đoạn thượng nguồn sông có tên là Dak Kron Bung, chảy theo hướng Bắc - Nam. Đoạn từ Định Quang xuống Thượng Giang, sông được gọi là Hà Giao. Khi chảy qua huyện Tây Sơn, sông gặp các nhánh nhỏ Đồng Trem Hầm Hô đổ ra, tạo thành dòng lớn hơn và chính thức mang tên sông Côn. Sông tiếp tục chảy qua huyện An Nhơn theo hướng Tây - Đông, gặp một nhánh nhỏ khác từ hồ Núi Một chảy xuống. Đoạn hạ lưu chia thành hai nhánh: Bắc Phái và Nam Phái với nhiều tên gọi khác nhau: sông Đập Đá, sông Đại An, sông Cái và đổ ra Đầm Thị Nại (Quy Nhơn).
Ở Bình Định, sông Kôn không chỉ là một dòng chảy tự nhiên, mà còn là một dòng sông văn hoá, đi vào tâm thức người dân nơi đây. Ở đó, nơi đầu nguồn sông, xứ sở của thành Tà Kơn, của núi Nguyễn Huệ huyền thoại, của những bản hơamon dài như một mùa rẫy, sông trải mình dọc suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này. Sông trải mình qua những làng quê yên bình, nơi có những làng võ danh trấn, soi bóng những ngọn tháp ngàn năm, với những địa danh đã đi vào lịch sử và trở thành một phần ký ức thẳm sâu của người Bình Định: làng Cây Dừa, bến Trường Trầu, thành Hoàng Đế…
Sông ấp ôm và chở che cho bao phận người bên sông. Sông dâng tặng bao hương vị, những món ăn, thảo dã mà thấm đẫm hương vị quê nhà; kết vào men nồng của “đệ nhất danh tửu” Bầu Đá… Đi dọc sông Côn, chắt lọc hồn mình những dư vị đẫm đầy, nồng ấm đất và người Bình Định…
Kỳ I: Đi tìm ngọn nguồn sông
< Theo chân ông Đinh Nghèo (phải), chúng tôi bắt đầu vào rừng.
Đâu là nơi phát xuất của sông Côn? Theo “Đại Nam nhất thống chí”, sông Côn có ba nguồn: một từ núi Phong Sơn, một từ núi Kiền Kiền. Hai nguồn này hợp nhau tại thôn Trinh Tường (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Sau đó, chia làm hai nhánh. Nhánh phía Nam chảy đến thôn Quang Châu (nay thuộc xã Nhơn Hoà, huyện An Nhơn) thì gặp nguồn nước từ khe núi An Tượng chảy vào. Như vậy, thượng nguồn của sông Côn, theo sách xưa, thuộc về vùng Tây Sơn thượng đạo.
Lên với đầu nguồn
Ngược sông, chúng tôi đến Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), và lần tìm theo những con suối thượng nguồn. Vào đến khu sản xuất của làng K3, nằm sát bên một mép sông, một người già trong làng bảo: “Đây cũng là vùng đầu nguồn, nhưng muốn lên thượng nguồn, phải qua bên An Toàn (An Lão) kia”. Mà quả thật, nhìn kỹ trên bản đồ, mới thấy con sông Côn hợp nguồn từ một nhánh sông Côn và các con suối ở vùng An Toàn, rồi mới đổ về Vĩnh Thạnh. Vậy là chúng tôi lại quày quả ngược trở lại, lên An Lão và tìm đường đến với An Toàn.
Nghe nói đến An Toàn, đồng nghiệp và bè bạn ở An Lão đều tỏ vẻ ngần ngại. Rằng lên An Toàn mùa khô đã vất, huống chi mùa mưa. Mà quả thật, bước vào cuộc hành trình bằng xe máy ngược dốc mới thấy, không chỉ lầy lội, con đường lại đang được san để làm bê tông, vừa bề bộn, vừa trơn trượt. Không hiếm những đoạn phải ba bốn người đẩy, xe mới ì ạch vượt dốc. Lại có khúc, đường tràn nước như một dòng suối đầy đá cuội… Vậy rồi, sau chừng 5 tiếng cho chỉ khoảng… 45 km, người bê bết bùn đất, chúng tôi mới đến thôn 2, trung tâm của xã An Toàn, và từ đây, bỏ xe, lội bộ đi ngược triền sông, lên với đầu nguồn.
< Nhịp sống bên sông.
Không tìm ra người dẫn đường, vậy là, chúng tôi đành tự đi, với “kim chỉ nam” là lời dặn của một người dân trong làng. Rằng cứ đi theo con sông, con suối, ngược dòng nước là lên nguồn, xuôi dòng là về dưới. May mắn thay, vào đến khu sản xuất của làng, gặp bác Đinh Nghèo và con trai đi thăm bẫy, vậy là chúng tôi bám theo. Nhưng chỉ được một đoạn, khi băng qua một khúc sông, trong khi chúng tôi còn mê mải bắt… vắt lổn ngổn bò lên người, thì họ đã… biến mất sau những tán rừng.
Vậy là chúng tôi cứ tha thẩn dọc sông, vừa đi vừa làm dấu bằng những nhát rựa phát trên những thân cây rừng. Khúc sông và cánh rừng già yên tĩnh đến phát sợ. Tự dưng lại nhớ đến câu chuyện mà tối hôm trước, trong căn nhà sàn tối om dưới thôn 2, một người làng đã kể cho nghe, rằng mới năm trước đây thôi, một người đi câu cá trong rừng nghe có tiếng lọc cọc phía trên, mới lấy hòn sỏi ném đùa. Nhưng khi nhìn lên, anh ta đã thót tim, vì hoá ra đó là một “ông ba mươi”. Họ còn bảo, thi thoảng, vẫn có tiếng “ông” về trong đêm…
May quá, chỉ lát sau, trước mặt chúng tôi, thoáng có bóng hai chàng trai Bana xách cần câu đang ngược nguồn câu cá. Vậy là chúng tôi bám theo. Lần này thì đã có “kinh nghiệm”. Mặc vắt, mặc cho người cứ ngã đùi đụi xuống sông vì đá quá trơn trượt, chúng tôi kiên trì bám theo. Hỏi Đinh Bèo và Đinh Nít, tên hai chàng trai nọ, rằng bao giờ họ quay lại. “Tụi mình còn đi câu đến tận tối”- Đinh Bèo nói. Vậy là chúng tôi đành nhắc nhau để mắt xung quanh, không quên đánh dấu đường đi để còn biết đường mà trở về.
< Để ngược nguồn, phải len theo con đường mòn, với không ít trở lực.
Rừng An Lão mùa này khá ẩm. Và cũng do vậy, những tán cây mọc rậm rì và xanh um. Thi thoảng, xen trong tiếng nước sông chảy qua những gộc đá ầm ì, chỉ có tiếng kêu những cánh đại bàng cất lên đâu đó. Khúc sông Côn vừa ra từ nguồn, thiêm thiếp nước, trong vắt và mát lạnh. Những đoạn sông đầy đá gộc và sỏi, thi thoảng điểm xuyết bằng những trảng cát miên man. Nắng trải đều trên triền sông đầy đá và cát, nắng lấp loá trên mặt nước, hay phản chiếu những tảng cây rừng. Khung cảnh đẹp như một bức hoạ ấn tượng.
“Nom nó thanh bình vậy đó, nhưng chỉ một cơn mưa, nước sẽ dâng lên, từ nguồn đổ ập xuống”- Đinh Bèo nói. Nhưng rồi như để trấn tĩnh cho chúng tôi, Đinh Nít bảo. “Không sao đâu, nước chỉ dâng lên một lúc rồi xuống ngay. Lũ nguồn mà. Vả lại, hôm qua mưa nhưng nay trời đang trong lắm”. Mà quả thật, không hiểu chúng tôi có duyên gì với dòng sông hay không, mà những ngày lên nguồn, cũng là những ngày trời rất trong và đầy nắng. Dẫu chỉ mới hôm trước đó thôi, cứ tầm 1, 2 giờ chiều, An Toàn lại mưa như trút nước. Dulichgo
Con đường xuyên rừng nương theo những suối khe thiên nhiên. Người đi là đá mòn. Và những dấu chân người vẫn tiếp nối. Như tôi và những người bạn đồng hành của tôi hôm nay. Tất cả cùng hoà chung trong một bản hùng ca vĩ đại mang tên cuộc sống. Trên con đường xuyên rừng, tôi cứ lan man nghĩ vậy.
Nơi sông khởi nguồn
< Từ đây, dòng nước này chính thức mang tên sông Côn.
Phải qua hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ như chạy theo những bước chân thoăn thoắt của hai chàng trai Bana, chúng tôi mới đến Đá Trải. Địa danh này, quả thật, chỉ sau này, chúng tôi mới biết tên, vì hai chàng trai thổ địa nọ cũng chẳng biết. Họ cứ bảo: Phải hỏi người già ấy! Gọi là Đá Trải, có lẽ bởi giữa dòng sông, là một phiến đá khổng lồ trải mình. Con sông phải lách qua một bên khe, rồi mới tiếp tục xuôi nguồn. Quan sát kỹ tảng đá nọ, ở giữa, một vết lõm sâu và dài, trải theo chiều dọc đá, trông như chiếc bè của ai đó mới vừa dời đi, để dấu tích lại trên nền đá. Sau này, qua ông Đinh Nghèo, chúng tôi mới được biết, người Bana vẫn kể: Ngày xưa, người trời xuống đây, làm những chiếc bè xuôi theo sông, nay còn để lại dấu tích.
Phía trên Đá Trải một chút, có thác nước nhỏ, nước róc rách xuyên qua những tầng đá thấp, rồi uốn lượn như dải lụa, đẹp đến mê hồn. Nước sông trong vắt, trong như chưa bao giờ trong đến vậy. Những đàn cá nằm im dưới các hốc đá, chỉ đến khi chúng tôi để rơi những vụn bánh xuống, mới rủ nhau ào ra, rồi lại nháo nhào chui ngay vào hốc. Chỉ cần mảnh lưới nhỏ là có một bữa cá chiều - ấy là chúng tôi lan man nghĩ vậy. Còn hai chàng trai Bana cứ hết thả mồi, là những con cua nhỏ, nơi này lại sang nơi khác, rồi cứ tiếp tục men suối đến tận chiều. Họ bảo, rằng họ chỉ bắt những con cá chình, cá nhau to cỡ cổ chân. “Hồi xưa, sông nhiều cá lắm. Bây giờ ít hơn vì nhiều người lên đây rà điện hết”- họ nói. Ngược lên phía trên, chúng tôi gặp những con suối nhỏ cũng đang trong bản tình ca bất tận, miên man chảy giữa đại ngàn.
Ngồi lại với dòng sông, lắng nghe tiếng thao thức của sông với rừng già, với suối nguồn, trước khi tiếp tục băng rừng và len qua những dãy núi điệp trùng, để về với biển. Thật lạ, trong mường tượng của tôi, và hẳn bao người nữa, khi nghĩ về ngọn nguồn sông Côn, hẳn là những dòng thác trắng xoá và tuôn trào bọt nước, những ghềnh đá dữ dội ầm ầm thác đổ. Vậy mà không, dòng sông dưới chân tôi lại êm đềm như khúc nhạc trữ tình, như bản hơamon bất tận kể bên bếp lửa nhà sàn đêm đêm. Sẽ không thể hiểu bản chất của dòng sông nếu không lên tận nguồn của nó. Một nhà văn đã viết chí lý vậy.
< Dấu lõm in hình chiếc bè ở Đá Trải.
Và khác với sông Hương, dữ dội nơi đầu nguồn và càng về xuôi càng êm đềm, êm đềm đến độ “Con sông dùng dằng, con sông không chảy” thì sông Côn dường như chỉ mãnh liệt khi cất bước sang bên kia núi, rồi trở hướng xuôi về hạ nguồn, uốn mình qua những thôn làng trù phú ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước. Có lẽ, cái hướng chảy Bắc Nam của đoạn sông nơi rừng núi An Lão này đã tạo nên cho dòng sông như vậy. Và cái khí chất phóng khoáng của núi rừng, vẫn ủ lại với trầm tích sông, chỉ rạo rực lên khi mùa lũ về. Sông như vẫn còn quyến luyến lắm với cây rừng, với đất và người thượng nguồn An Lão, nên cứ miên man vậy. Miên man cho đến khi gặp nước Mia, nước Miên (đều thuộc An Toàn) rồi đổ vào thuỷ điện Vĩnh Sơn, rồi lại tiếp tục xuôi chảy thì gặp thêm nước Trinh cũng từ An Toàn đổ ra, và một nhánh nhỏ khác từ Hoài Ân chảy vào, sông mới thật mạnh mẽ và cường tráng…
Đêm đã buông xuống trên triền sông. Những nếp nhà sàn ủ trong màn đêm tịch mịch và khí trời se lạnh vùng cao. Thoáng trong tiếng đêm, ánh lửa bập bùng từ những góc nhà sàn. Lại nghe trong hơi gió, có tiếng sông rầm rì vọng lại, hoà cùng tiếng gió đại ngàn vi vút thổi. Phải tiếng sông, hay tiếng của những vị thần Bana tối cổ vừa trở về, nhắc nhở trong chúng ta, rằng đừng bao giờ lãng quên nguồn cội, như trăm dòng sông dù có lãng du ra biển, vẫn mong ngày trở lại với suối nguồn, để tiếp tục làm cuộc hành trình bồi đắp nên những dư vị phù sa cho cuộc sống…
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Vé máy bay đi Singapore!